0

Rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần | Safe and Sound

Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính do áp lực của đời sống hiện đại. Những năm gần đây, 80% bệnh nhân rối loạn giấc ngủ đến khám có nguyên nhân liên quan đến sự căng thẳng trong cuộc sống. Biểu hiện chủ yếu là mất ngủ, ác mộng… Trong đó khoảng 7% là bệnh nhân mất ngủ nặng có trầm cảm – lo âu, 14,6% gặp trong trầm cảm dạng cơ thể.

Nguyễn Hoàng Nguyên | Thạc sĩ. Bác sĩ – Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Khái niệm về giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ

Giấc ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể có tính chất ngày đêm. Trong giấc ngủ, toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, tạm ngừng hoạt động tri giác và ý thức, các cơ bắp giãn mềm, hoạt động hô hấp và tuần hoàn chậm lại. Một giấc ngủ tốt là giấc ngủ đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng và thời gian. Quan trọng hơn, khi ngủ dậy người ta phải cảm thấy khoan khoái dễ chịu về thể chất và tâm thần.

Ảnh 1: Rối loạn giấc ngủ là một tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp

Rối loạn giấc ngủ liên quan đến các yếu tố nhân sinh được gọi là rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Các rối loạn cảm xúc là nhân tố nguyên phát, bao gồm rối loạn trầm cảm, hưng cảm. phân liệt cảm xúc hoặc các rối loạn liên quan đến stress. Các rối loạn trong giấc ngủ chủ yếu là về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ. Các biểu hiện khác nhau của rối loạn giấc ngủ bao gồm ngủ nhiều, mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, giấc ngủ thất thường (mộng du, hoảng sợ khi ngủ, ác mộng).

2. Cơ chế bệnh sinh của rối loạn giấc ngủ

Bệnh sinh rối loạn giấc ngủ có nhiều giả thuyết (thuyết thần kinh, thuyết thể dịch) trong đó thuyết của Magoun, Moruzzi về vai trò của cấu tạo lưới ở thân não và vùng dưới đồi thị trong việc điều hòa giấc ngủ được thừa nhận rộng rãi. Khi tăng hoạt hóa hệ thống cấu tạo lưới ở vùng thân não và dưới đồi thị sẽ gây tác động hưng phấn lan tỏa lên vỏ não, gây ra trạng thái thức. Khi hoạt hóa hệ thống cấu tạo lưới giảm hoặc mất đi, giấc ngủ sẽ xảy ra. Như vậy, hệ thống hoạt hóa cấu tạo lưới có vai trò quan trọng trong cơ chế điều hòa giấc ngủ thông qua các chất dẫn truyền thần kinh và cũng tuân theo cơ chế hóa động thần kinh – dịch thể nhằm kích thích hoặc ức chế lan tỏa vỏ não trong các trạng thái thức ngủ.

3. Một số rối loạn giấc ngủ thường gặp

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, với các than phiền khó đi vào giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém của người bệnh. Các than phiền này xảy ra ít nhất ba lần một tuần và tồn tại trong thời gian ít nhất một tháng. Kèm theo đó, người bệnh có bận tâm về mất ngủ và lo lắng quá mức về hậu quả của nó. Điều này gây ra đau khổ lớn hoặc cản trở công việc cũng như sinh hoạt. Bệnh nhân thường lo âu, buồn phiền và suy tư về những gì họ trải qua khi đến giờ ngủ. Sáng thức giấc khiến họ có cảm giác mệt mỏi, uể oải về cơ thể.

Ảnh 2: Ngủ nhiều là một rối loạn giấc ngủ thường gặp

Ngủ nhiều cũng là một rối loạn giấc ngủ thường gặp, ngày thì ngủ quá mức hoặc khó tỉnh táo hoàn toàn vào lúc thức giấc. Rối loạn giấc ngủ xảy ra hằng ngày, trên một tháng hoặc những thời kỳ tái diễn ngắn hơn, gây ra đau khổ rõ rệt hay cản trở hoạt động thường ngày. Chứng ngủ nhiều hay gặp trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực pha trầm cảm, rối loạn trầm cảm tái diễn hoặc giai đoạn trầm cảm nặng.

Rối loạn nhịp thức ngủ là khi chu kỳ thức ngủ của người bệnh không đồng thời với nhịp thức ngủ ngày đêm gọi là bình thường đối với xã hội mà mọi người trong cùng môi trường văn hóa đều có. Người bệnh mất ngủ trong buổi đêm và ngủ nhiều trong buổi sáng, tồn tại ít nhất một tháng hoặc tái diễn từng thời kỳ. Họ không thỏa mã về số lượng, chất lượng và thời gian ngủ gây ra đau buồn rõ rệt hoặc cản trở hoạt động thường ngày.

Còn rất nhiều các rối loạn giấc ngủ, để điều trị được cần phải giáo dục người bệnh chú ý tạo thói quen ngủ tốt, chỉ đi ngủ khi buồn ngủ, tập thức giấc đúng giờ, dậy vào một giờ nhất định, không dùng cà phê thuốc lá vào buổi tối. Một số người bệnh có rối loạn giấc ngủ nặng cần phải sử dụng các loại thuốc ngủ.

: Rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound